Thực tế bây giờ, việc đặt dấu câu “tùy tâm trạng” đã và đang là vấn đề vô cùng nhức nhối. Có lẽ bởi vì chúng ta cứ ngỡ lỗi này là đơn giản, nhỏ nhặt nên thường mặc nhiên bỏ qua. 

Có thể trong một số trường hợp chat chít nhắn tin với bạn bè thường ngày, chúng ta chẳng cần dấu câu, có khi chỉ nhắn bằng “Tiếng Việt không dấu” mà người đọc vẫn hiểu. Tuy nhiên, đừng để lỗi dấu câu cơ bản trở thành “kiếp nạn thảm hại” trong rất nhiều trường hợp quan trọng. Đặc biệt, đối với người làm nghề viết/dân content, bản thân là một con dân trong “ngành” thì buộc bạn cần nắm rõ, sử dụng đúng đắn và không thể sai sót, không thể “thích thả đâu thì thả ở đó”. 

Cùng Alibaba, lưu ý “Các lỗi dấu câu content thường mắc phải & Cách sửa chuẩn xác nhất” ở bài viết dưới đây nhé!

Lỗi dấu câu content thường mắc phải, cần sửa ngay.

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng của “dấu câu” thực sự “đáng sợ”

Việc sử dụng chính xác các dấu câu trong quá trình viết content có quan trọng hay không? Liệu dùng sai dấu câu có ảnh hưởng đến nội dung bài viết hay không? 

  • Dùng dấu câu thích hợp giúp người đọc hiểu rõ nghĩa: 

Dấu câu là một trong những phương tiện quan trọng giúp người viết thể hiện điều muốn trình bày một cách mạch lạc, chính xác nhất. Đây còn là phương tiện để biểu thị những sắc thái về nghĩa của câu, về tư tưởng, về cả tình cảm và thái độ của người viết. 

Dấu câu giúp phân định ranh giới các câu, các thành phần của câu, giữa các vế của câu ghép… Từ đó, giúp người viết diễn đạt nội dung một cách rõ ràng, mạch lạc hơn. Đây là yếu tố quan trọng giúp người đọc hiểu rõ ý nghĩa, nội dung người viết muốn truyền tải.

Trong một số trường hợp, dấu câu còn thể hiện cảm xúc, thái độ của người viết đề cập. Dấu câu đặt chuẩn, người đọc cũng sẽ tiếp nhận thông tin từ người viết một cách chuẩn xác hơn, tránh gây hiểu nhầm.

  • Thể hiện sự chuyên nghiệp của người viết:

Việc sử dụng đúng các quy tắc ngữ pháp (trong đó có quy tắc dùng dấu câu) là yêu cầu cơ bản của những người làm nghề viết. Việc có lỗi ngữ pháp trong văn bản thường sẽ vì 2 lý do: Thứ nhất là do người viết không nắm quy tắc dẫn đến viết sai hoặc thứ hai là do người viết không cẩn thận dẫn đến lỗi đánh máy, lỗi trong soạn thảo văn bản.

  • Lỗi thứ nhất: Nếu bạn không nắm đủ các quy tắc dấu câu -> Xem ngay nội dung phần bên dưới mà Alibaba phân tích.
  • Lỗi thứ hai: Nếu vấp lỗi này thì mẹo dành cho bạn là khi viết 1 bài viết cần có 3 bước: Lên outline -> Viết bài hoàn thiện -> Đọc lại và chỉnh sửa.

Với những văn bản có số lượng lớn chữ thì việc bị lỗi đánh máy một vài chỗ có thể được thông cảm. Tuy nhiên, việc gặp lỗi về dấu câu quá nhiều trong văn bản sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận thông tin và cảm xúc của người đọc. Đồng thời, điều này sẽ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của người viết dù chưa kể đến phần nội dung, ý nghĩa truyền đạt.

2. Lưu ngay các lỗi dấu câu cần sửa gấp 

2.1 Lỗi dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm câu

Mặc dù những dấu câu: dấu phẩy, dấu chấm, các dấu kết thúc câu,… được chúng ta sử dụng thường xuyên, nhưng không phải ai cũng để ý những lỗi sai này.

Theo quy tắc chuẩn, đối với các dấu câu: dấu chấm, dấu phẩy, các dấu chấm câu,… được viết liền kề với chữ xuất hiện trước nó và cách một khoảng trắng trước chữ liền sau đó. Nhấn mạnh CHỈ MỘT KHOẢNG TRẮNG không hơn không kém.

Ví dụ:

ĐỪNG: 

  • Tôi đang bận . Bạn tìm tôi có việc gì không ? 10p nữa tôi xong việc , liên hệ lại sau nhé !
  • Tôi đang bận.Bạn tìm tôi có việc gì không? 10p nữa tôi xong việc ,liên hệ lại sau nhé  !
  • Tôi đang bận .Bạn tìm tôi có việc gì không ?10p nữa tôi xong việc ,liên hệ lại sau nhé   !

Mà HÃY gõ chuẩn: 

  • Tôi đang bận. Bạn tìm tôi có việc gì không? 10p nữa tôi xong việc, liên hệ lại sau nhé!

  • Dấu chấm (.): 

Dấu chấm có tác dụng kết thúc một câu trần thuật, giúp người đọc biết câu chuyện chuyển sang một vấn đề khác. Sau dấu chấm ta phải viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo và cách một khoảng trắng bằng 1 lần nhấn phím space trên bàn phím máy tính.

 

  • Dấu phẩy (,): 

Là loại dấu chấm câu được sử dụng nhiều nhất trong văn viết, nó có những tác dụng sau: Giúp phân biệt thành phần chủ ngữ, vị ngữ và các thành phần khác trong câu /  Phân biệt các vế trong câu ghép hoặc nhiều câu đơn với nhau / Phân tách các từ có cùng chức năng, ý nghĩa, từ đồng nghĩa trong câu / Phân tách giữa một từ với một bộ phận chú thích trong câu. Từ phía trước đứng sát dấu phẩy, sau dấu phẩy cách một khoảng trắng ta viết chữ bình thường, cách một khoảng trắng bằng 1 lần nhấn phím space, có thể xuống dòng khi hết trang.

 

  • Dấu kết thúc câu khác (; : ? !): Được đặt liền kề, sát ngay sau chữ cái xuất hiện trước đó, sau các dấu câu này cách một khoảng trắng bằng 1 lần nhấn phím space, ta phải viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo

Dấu chấm phẩy (;): Có tác dụng kết thúc một câu trần thuật, ngăn cách các bộ phận ngữ pháp đẳng lập (khi trong câu đã có bộ phận nào đó dùng dấu phẩy) & ngăn cách từng vế câu trong sự liệt kê nối tiếp nhau, hoặc khi vế sau có tác dụng bổ sung cho vế trước, tạo sự cân xứng về cấu tạo và ý nghĩa.

– Dấu hai chấm (:): Được đặt giữa câu để báo hiệu bộ phận đứng sau.

+ Mô tả phần đứng sau có chức năng giải thích hoặc thuyết minh nội dung cho phần trước đó

+ Để nhấn mạnh ý trích dẫn trực tiếp

+ Để báo hiệu sự liên kết hay liệt kê nội dung có liên quan đến câu nằm phía trước dấu hai chấm

+ Đánh dấu lời hội thoại hoặc lời dẫn trực tiếp

– Dấu chấm hỏi (?): Đặt cuối câu bày tỏ những điều muốn được trả lời vì chưa biết, chưa rõ, dùng với mục đích nghi vấn hoặc có trường hợp dùng trong trường hợp khẳng định

– Dấu chấm than (!): Có tác dụng bộc lộ trạng thái cảm xúc, lời hô, lời gọi, nêu ý đề nghị, yêu cầu, khuyên bảo,…

 

  • Dấu ba chấm (…): Còn có tên gọi khác là “Dấu chấm lửng” 
  • Có thể đặt ở bất cứ vị trí nào trong câu, đặt sát liền kề từ ngữ, câu chữ xuất hiện trước đó. Dấu ba chấm có tác dụng thay cho những lời không tiện nói ra, hoặc không tiện trích dẫn & biểu thị sự im lặng, sự kéo dài hay nghẹn ngào, xúc động không nói thành lời.
  • Lưu ý: Rất nhiều trường hợp, người viết dùng dấu ba chấm (…) một cách “vô tội vạ”, chính xác phải là 3 chấm, không phải là 2 chấm, cũng “đừng cố chấp” phải 4 chấm, 5 chấm… mới chịu dừng. 

Ví dụ: 

ĐỪNG: 

  • Tôi không biết như nào nữa ….
  • Tôi không biết như nào nữa……..
  • Tôi không biết như nào nữa..

Mà HÃY:

  • Tôi không biết như nào nữa… (ba chấm, CHỈ 3 CHẤM là ĐỦ rồi)

2.2 Lỗi dấu gạch ngang, gạch đầu dòng

Dấu gạch ngang – Dấu gạch đầu dòng (-): đều được viết cách một khoảng trắng với các từ ngữ, câu chữ xuất hiện trước và sau.

Ví dụ:

ĐỪNG:

  • Đà Nẵng- một thành phố đáng sống 
  • Đà Nẵng -một thành phố đáng sống
  • Đà Nẵng-một thành phố đáng sống

Mà HÃY:

  • Đà Nẵng – một thành phố đáng sống 

Dấu gạch ngang có thể đặt ở những vị trí khác nhau trong câu để

– Tách biệt lời nói trực tiếp của nhân vật.

– Tách biệt phần chú thích (có thể dùng dấu phẩy, dấu ngoặc đơn).

– Tách biệt từng nội dung liệt kê trong mối quan hệ với nhau.

* Lưu ý: Dấu gạch ngang khác với dấu gạch nối, ví dụ như: Covid-19, vắc-xin, check-in,.. Đây là trường hợp dấu gạch nối được dùng chuẩn xác, đừng nhầm lẫn với dấu gạch ngang nhé!

2.3 Lỗi dấu ngoặc kép, ngoặc đơn, ngoặc vuông

Đối với các dấu ngoặc kép, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc vuông, thanh dấu đầu tiên đi liền với chữ cái phía sau và thanh dấu thứ hai đặt ngay sát chữ cái đằng trước. 

Các chữ cái, từ ngữ xuất hiện trong dấu ngoặc ( ) – “ ” – [ ] đều đứng liền sát với dấu, không có khoảng cách. Và các chữ cái, từ ngữ xuất hiện bên ngoài các dấu câu này thì cách 1 khoảng trắng bằng 1 lần nhấn phím space. 

Ví dụ: 

ĐỪNG: 

  • Sếp tôi nói: “ Cuộc họp sẽ diễn ra vào 8h00 sáng”.
  • Sếp tôi nói:”Cuộc họp sẽ diễn ra vào 8h00 sáng “.
  • Sếp tôi nói: “ Cuộc họp sẽ diễn ra vào 8h00 sáng “.

Mà HÃY:

  • Sếp tôi nói: “Cuộc họp sẽ diễn ra vào 8h00 sáng”.

  • Dấu ngoặc kép (“ ”): được đặt ở những vị trí khác nhau trong câu. Dấu câu này có tác dụng thể hiện:

– Lời nói trực tiếp của nhân vật (thường có dấu hai chấm đứng trước)

– Một số từ ngữ mượn lại của người khác được đưa vào trong bài viết (lúc này không cần đặt dấu hai chấm đứng trước)

– Những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt (nhấn mạnh, mỉa mai,…)

 

  • Dấu ngoặc đơn, ngoặc vuông () []:

Các dấu ngoặc có thể đặt ở những vị trí khác nhau trong câu để tách biệt phần chú thích (đặt trong ngoặc đơn và luôn đi sau) với phần được chú thích. Phần chú thích có thể là một từ, một ngữ, một câu hoặc nhiều câu có tác dụng nêu rõ thêm cho phần được chú thích về tình cảm, thái độ, hành động, nơi chốn, v.v…

Lưu ý: Ở câu trích dẫn, quy tắc đặt dấu đầy đủ là [“…abc xyz.”.] nhưng có thể tối giản, lược bớt thành [“…abc xyz”.] – bỏ bớt dấu chấm trước dấu ngoặc kép thứ hai, xong đặt dấu chấm sau dấu ngoặc kép thứ hai.

Ví dụ:

ĐỪNG:

  • A nói: “Con mèo kia thật dễ thương.” Còn B nói: “Con cún này cũng vậy .”

Mà HÃY:

  • A nói: “Con mèo kia thật dễ thương”. Còn B nói: “Con cún này cũng vậy”.

2.4 Lỗi dấu gạch chéo

Trường hợp đặc biệt, với dấu gạch chéo, chúng ta có hai cách gõ quen thuộc:

  • a/a: dấu / liền sát với chữ cái đứng trước và đứng sau nó;
  • a / a: có một khoảng trống trước và sau dấu /.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xuất hiện một cách gõ dạng: a/ a – một khoảng trống đặt sau dấu gạch để dễ nhìn hơn. 

Ví dụ:

ĐỪNG:

  • Trắng /Đen
  • Trắng     /     Đen

Mà HÃY:

  • Trắng/Đen hoặc Trắng / Đen

2.5 Một số lỗi khác cần lưu ý:

Trong quá trình viết, ngoài những lỗi dấu câu thông thường, việc ngắt nghỉ câu không hợp lý như một “tai họa” gây ra những hiểu lầm tai hại. 

  • Thiếu dấu ngắt câu khi đã kết thúc:

Ví dụ: 

– Câu sai: Tác phẩm “Lão Hạc” làm em vô cùng xúc động trong xã hội cũ, biết bao nhiêu người nông dân đã sống nghèo khổ cơ cực như lão Hạc.

– Câu đúng: Tác phẩm “Lão Hạc” làm em vô cùng xúc động. Trong xã hội cũ, biết bao nhiêu người nông dân đã sống nghèo khổ cơ cực như lão Hạc.

  •  Dùng dấu ngắt câu khi câu chưa kết thúc:

Ví dụ:: 

– Câu sai: Thời còn trẻ, học ở trường này. Ông là học sinh xuất sắc nhất. 

– Câu đúng: Thời còn trẻ, học ở trường này, ông là học sinh xuất sắc nhất.

  •  Thiếu dấu thích hợp để ngắt các bộ phận của câu khi cần thiết:

Ví dụ: 

– Câu sai: Cam quýt bưởi xoài là đặc sản của vùng này.

– Câu đúng: Cam, quýt, bưởi, xoài là đặc sản của vùng này.

3. Kết luận

Muốn viết hay, trước tiên phải viết đúng, và đặc biệt phải đúng chính tả. Tiếng Việt phong phú và đa dạng, chỉ cần sai một dấu câu, một chữ cái thôi đã dẫn đến ngữ nghĩa khác đi rồi. 

Trên đây là tóm tắt “Các lỗi dấu câu content thường mắc phải” và cách để khắc phục. Lưu ngay để bài viết của bạn thêm chuyên nghiệp, chỉn chu hơn nhé!

Định vị thương hiệu của bạn, bằng một chiến lược marketing chuyên nghiệp !